Chuyện xin việc thật khó không ngờ khi mình cầm một chiếc bằng Giỏi trên tay nhưng không thể xin được việc 😣😣
Năm 2015 mình tốt nghiệp loại Giỏi của một trường đại học có tiếng. Với mộng mơ về tương lai màu hồng, mình khá tự tin và kiên trì nộp CV vào rất nhiều công ty lớn nhỏ liên quan đến ngành học.
Trong suốt 3 tháng đầu tiên sau khi ra trường, mình apply chăm chỉ nhưng không nhận được một lời hẹn phỏng vấn nào. Trong khi đó, bạn bè mình kể về trải nghiệm từ các buổi phỏng vấn và thi đầu vào từ các công ty lớn.
Tại sao không nơi nào nhận mình?
Mình tự nhìn lại CV, thật sự là không tệ! Thành tích học tập ổn, có tham gia rất nhiều các hoạt động bên ngoài, cũng có kinh nghiệm đi làm cho một tờ báo có tiếng rồi dịch thuật cho bên VTV. Nhưng quan trọng hơn cả, mình không có một ngày nào thực tập ở doanh nghiệp liên quan đến ngành học. Đến đây thì tất cả chúng ta đề đã biết lí do mình không được mời phỏng vấn rồi nhỉ 😊
Sự chủ quan này đến từ chuyện mình không nhận thức được việc nghiêm túc với ngành nghề. Mình chọn trường theo nguyện vọng 2 nên rất mông lung về việc làm gì sau khi ra trường và có phần trốn tránh đối mặt với nó.
Thay vì đầu tư thời gian và công sức về việc làm trong tương lai, mình lại đầu tư vào những niềm vui giúp mình quên đi áp lực nghề nghiệp. Lẽ ra, mình nên tìm hiểu kĩ về các doanh nghiệp bên ngoài và tìm cơ hội đi thực tập ở các doanh nghiệp đó. Hoặc dành thời gian và tiền bạc để đi học các kĩ năng phục vụ công việc mình muốn làm.
Tất cả chỉ còn lại hai chữ “Giá như” vào lúc này.
Chắc hẳn các bạn đã từng nghe nhiều người nói: Học Đại học quan trọng gì, khi đi làm người ta sẽ đào tạo lại. Các bạn ạ, chỉ có những cuộc đời được xếp sẵn, ra trường là có người thân lo liệu công việc thì mới nghĩ như vậy. Những người bình thường, không có hậu thuẫn thì càng cần nghiêm túc với nghề nghiệp và cần rất rất nhiều cố gắng tiếp cận với công việc mình muốn làm trong tương lai. Đó là bài học đầu tiên mình học được sau khi rời giảng đường.
Ai rồi cũng phải đi làm thôi
Mình quyết định apply tất cả các job dành cho người mới ra trường, không phân biệt ngành nghề.
Các công việc đầu tiên mình có được là: nhân viên môi giới nhà đất, nhân viên sales, nhân viên hỗ trợ tuyển dụng. Là nhân viên môi giới nhà đất hay nhân viên sales, văn phòng chỉ là chỗ nghỉ chân, bản thân phải đi khắp nơi để chào bán sản phẩm và gặp gỡ tư vấn khách hàng. Là nhân viên hỗ trợ tuyển dụng, mình đăng tin tuyển dụng mỗi ngày và nhập bảng chi phí tuyển dụng mỗi tuần.
Vừa làm vừa tìm cơ hội, sau những job ngắn hạn 1-2 ngày và nhiều nhất là hơn 1 tháng, mình đã xin được vào job phân tích dữ liệu cho một phòng phân tích & dự báo kinh doanh.
Ngày đó nghề phân tích dữ liệu thật hot. Việc được dùng được “số má” mỗi ngày là cái gì đó rất mới mẻ đối với mình. Đây cũng là lần đầu tiên mình tiếp cận khái niệm về nghiệp vụ – cách một quy trình kinh doanh hay một quy trình vận hành hoạt động. Mình nhớ như in lần đầu tiên được lấy yêu cầu từ bên kinh doanh để tính ra giá sản phẩm, rồi chạy các scenario để “đề mô” cho bên đó. Cảm giác vui sướng và cảm thấy mình quan trọng!
Nhưng dần dà mình nhận ra các bất cập khi phân tích dữ liệu trên file excel ở tổ chức này. Dữ liệu trên excel với các tập dữ liệu nặng và đặt nhiều công thức tính toán sẽ chạy rất chậm. Nhiều khi phải làm lại từ đầu khi excel bị lag và không kịp lưu trữ.
Trong đầu mình đã tự hỏi, có cách nào để lưu trữ và làm việc với dữ liệu tốt hơn?
Chỗ này là bước ngoặt cuộc đời luôn nè 🤣
Một ngày đẹp trời nọ, mình tình cờ đọc được trên báo mạng một bài viết về “Big Data” được ví như một kỉ nguyên mới của loài nguời. Dữ liệu được lưu trữ tập trung trên các máy chủ vật lý và máy chủ phi vật lý.
Mình thấy tương lai ngay đây rồi và chuyển hướng tìm việc liên quan đến dữ liệu lớn.
Ngày đi phỏng vấn xin việc, mình gạn vét hết can đảm của bản thân để thể hiện sự tự tin và cam kết “em sẽ học và cố gắng làm được” 😊 .Tadaa, hai năm tiếp đó là công việc tuyệt vời khi mình được tiếp cận dữ liệu lớn bằng các tool kỹ thuật, được phân tích chuyên sâu các yêu cầu của người dùng dữ liệu về các nhu cầu/thay đổi quy tắc dữ liệu.
Để đủ hiểu và tìm thấy niềm vui trong việc này, mình thực sự đã “vấp ngã” rất nhiều, ngã “dúi dụi” trong rất nhiều task được giao 😂. Không có base IT và chưa dùng code bao giờ, mình phải học dùng code SQL như bài học vỡ lòng. Mình khi đó vừa tiếp cận với các thuật ngữ kĩ thuật, vừa học hỏi về nghiệp vụ.
Với trình độ fresher, mình ban đầu chỉ phân tích được bề nổi của vấn đề/nhu cầu. Có nhiều lần mình phải phân tích thêm nhiều lần để đào sâu những vấn đề bị chồng chéo, nhiều lớp xử lý. Những lần xử lý không triệt để, mình may mắn có các anh chị đi trước tư vấn và chỉ ra vấn đề. Nghĩ lại những lần cầm tay chỉ việc đầu tiên đó đáng quý vô cùng. Có những khi làm việc không đến nơi đến chốn, mình chán nản vô cùng và còn nói với quản lý là muốn nghỉ vì không làm được việc, thế là bị mắng chút xíu hehe.
Nếu ngay từ đầu mình đi thực tập hoặc học và thi ngay lấy các chứng chỉ về kĩ thuật thì mình sẽ có điểm xuất phát cao hơn.
Viết đến đây cũng khá là dài rồi, mình sẽ kể tiếp về hành trình đi tiếp từ một fresher về dữ liệu trở thành BA như thế nào trong phần 2 của bài nhé.
Cảm ơn mọi người đã quan tâm bài viết của mình!
LylyBA ❤️
Pingback: Ra trường thì làm gì & chuyện "tạo nghiệp" với nghề Business Analyst (Phần 2)