Chào các bạn đang ghé thăm đọc bài tại LylyBA! Nhân dịp nghỉ lễ 2/9 có chút thời gian mình sẽ chia sẻ với các bạn về một chủ đề được nhiều bạn quan tâm và chờ mình viết: Làm việc lâu năm tại một chỗ thì lương thấp và Chuyện nhảy việc.
Rất mong bài viết của mình giúp đỡ được cho nhiều bạn trẻ đang băn khoăn về lựa chọn chuyển sang công việc mới. Phần đầu tiên mình sẽ bàn với các bạn về nhận định “Làm việc lâu năm tại một chỗ thì lương thấp”, mời các bạn theo dõi tiếp “Chuyện nhảy việc” trong phần tiếp theo nhé 😊
1. Làm lâu năm tại một chỗ nhưng lương thấp là do ý trời?
Không thể phủ nhận rằng tâm lý “chuyển sang làm việc ở một môi trường mới giúp tăng lương nhanh chóng hơn” có trong suy nghĩ của rất nhiều người làm công ăn lương. Hiện trạng ở nhiều công ty, khá nhiều nguời đi làm (theo quan sát và khảo sát của mình) cảm thấy làm việc lâu dài tại một nơi làm việc thì chế độ đãi ngộ không tăng như ý muốn và cảm thấy “thua thiệt” so với đãi ngộ của thị trường việc làm bên ngoài 😣
Đặt mình vào vị trí người đi làm, khi bản thân cố gắng trong nhiều năm nhưng khi một người từ công ty khác mới đến làm việc lại được trả cao hơn mà cũng lại cần hướng dẫn mới lúc ban đầu. Bởi vậy suy nghĩ “làm lâu bị trả lương thấp, kinh nghiệm không được coi trọng, dù gì cũng không bằng bên ngoài” khiến cho nhiều người không có định hướng trước về làm việc lâu dài với công ty, xác định ngay từ đầu công ty hiện tại chỉ là điểm dừng chân trong hành trình nhảy việc.
Mọi chuyện đều có những nguyên nhân của nó nếu chúng ta cùng nhìn lại sâu sát vào vấn đề. Việc tuyển dụng mới luôn là gánh nặng cho bộ phận Quản lý nhân sự (HR – Human Resources). Chi phí để tuyển dụng một nhân sự mức Senior (thông thường trên 4 năm kinh nghiệm) hay cấp Quản lý, Chuyên gia là rất cao. Với những job khó tuyển dụng, việc tiêu tốn hàng chục triệu hay đến cả trăm triệu VND đồng trả cho các bên đối tác tìm kiếm nhân sự (Headhunter) và các trang đăng tin tuyển dụng trên thị trường việc làm là hết sức bình thường.
Ngày mình còn được làm liên quan với bên nhân sự cách đây khoảng 6 năm, riêng việc chỉ gắn “nhãn đỏ hotjob” trên trang web của trang web đăng tin tuyển dụng bên ngoài để thu hút ứng viên có chi phí là 3-5 triệu VND đồng. Đó chỉ là một chi phí nhỏ trong các loại chi phí cần bỏ ra để có tuyển được ứng viên phù hợp với công việc. Mỗi công ty đều có đăng tin tuyển dụng nội bộ để điều chuyển. Các bạn có nghĩ rằng nhân sự và công ty thật sự không coi trọng nhân viên nội bộ và “ném rất nhiều tiền qua cửa sổ” để tìm ứng viên mới thay thế ứng viên cũ hay không?
2. Lý do của sự thật “làm lâu lương thấp”
Bản thân mình may mắn khi được nghe rất rất nhiều câu chuyện từ các bạn trẻ đi làm tâm sự với mình và page LylyBA. Dù chúng mình không có mối liên hệ nào nhưng khi các bạn đọc được các trang viết của mình và tìm hiểu khoá học, các bạn đó đã cho mình những hiểu biết đáng quý về thị trường làm việc bên ngoài. Sau đây là các lý do chính mà theo mình, nó là bản chất của việc làm việc lâu năm nhưng lương thấp. Với hiểu biết có hạn, mình chỉ tập trung vào tầng làm việc chi tiết (nhân viên hay working-level) để chia sẻ thôi nhé 😁
Mình xin lưu ý thêm các lý do mình đưa ra là những lý do khách quan và có thể đánh giá được còn những lý do về may mắn, môi trường làm việc toxic, sếp thiên vị, bản thân người đi làm không có nhu cầu/không quan tâm lương thưởng hay những lý do mang tính chất biện minh khác thì mình sẽ không bàn đến ạ!
Công việc đơn giản, dễ thay thế
Với những công việc này thường tìm ngoài thị trường là không khó nên có thể công ty không quá chú trọng vể sự đãi ngộ người cũ. Khi người cũ nghỉ việc, họ hoàn toàn có thể tìm kiếm trên thị trường vị trí tương tự với offer thậm chí thấp hơn người chuẩn bị nghị việc. Với những công ty có chính sách “một người biết việc của nhiều người” và có lộ trình đào tạo bài bản cho người mới, họ gần như không hề lo sợ các nhân sự cấp thấp nghỉ việc và sẵn sàng nhận lứa nhân lực mới trẻ và nhiệt huyết để đào tạo mới.
Khi so sánh người cũ làm lâu năm và người mới trong công việc đơn giản, nhà tuyển dụng sẽ lựa chọn cân nhắc nhiều hơn khi tuyển dụng người mới thay cho việc nâng lương thường xuyên hơn cho người cũ. “Việc gì phải tiếp tục nâng lương cho các nhân sự cũ đã làm lâu năm khi họ đã già cỗi, gần đạt đến ngưỡng của dải lương mà lại chỉ làm các công việc đơn giản, không mang đến nhiều lợi ích cho công ty? Người mới tràn đầy sức trẻ lại không đòi hỏi nhiều, ta nên lựa chọn!”. Điều gì có lợi cho công ty thì các nhân sự cấp cao sẽ hành động vì mục tiêu đó.
Năng suất thấp
Một sự thật phũ phàng hơn ở lý do số 2 này có liên quan đến hai kì đánh giá trong năm của mỗi nhân viên: kì HY1 (First haft-year là 6 tháng đầu năm) và HY2 (Second haft-year là 6 tháng cuối năm). Thông thường mỗi doanh nghiệp sẽ có 2 kì đánh giá nhân viên vào HY1 và HY2, để xét thưởng và tăng bậc (level) cho nhân viên dựa vào đánh giá hiệu suất công việc và thái độ hành vi trong công việc.
Mình xin đi vào ý quan trọng đầu tiên, về Năng suất. Thông thường, mỗi tháng đầu của kì đánh giá thì công ty sẽ có ban hành bộ tiêu chí để đánh giá hiệu quả làm việc và xét đánh giá trên bộ tiêu chí đã ban hành đó bằng thang đo (Ví dụ chấm thang điểm theo bảng chữ cái Alphabet, thang điểm 5,…). Mỗi kì đánh giá đều là một màn cân sức rất khó khăn để đánh giá về quyền lợi cho tất cả nhân viên. Kết quả sau cùng sẽ có người được đánh giá cao và có người được đánh giá thấp hơn.
Ví dụ đối với thang điểm 5 dành cho đánh giá hiệu suất công việc thì:
Điểm 1: Kém
Điểm 2: Không hoàn thành công việc
Điểm 3: Hoàn thành công việc
Điểm 4: Hoàn thành vượt mức
Điểm 5: Hoàn thành xuất sắc
Nếu nhân viên đạt loại 3 thì sẽ đạt mức trung bình của công ty và hưởng quyền lợi ở mức trung bình. Nếu nhân viên đạt loại 4 và 5 sẽ có nhiều cơ hội được nâng quyền lợi tốt hơn và có cơ hội được nâng level. Và tất nhiên, loại 1 và 2 có nguy cơ mất việc do không đạt yêu cầu công việc ☹️
Để bảo vệ cho một nhân viên có quyền lợi tốt hơn nhưng nhân viên khác, mình tin rằng các cấp quản lý cũng rất đau đầu và phải đánh giá rất khách quan về hiệu quả làm việc của mỗi nhân viên. Để đạt loại xếp hạng cao, người đi làm đều phải rất nỗ lực để hoàn thành vượt mức mong đợi kết quả công việc. Việc hoàn thành vượt mức có thể được thể hiện: nhiều lần hoàn thành công việc trước deadline, có những giải pháp được thực thi mang đến nhiều lợi ích hơn trong việc, giúp cải thiện đáng kể quy trình làm việc/quy trình kinh doanh,…và các lợi ích nói chung mà người đi làm đạt được nhiều hơn mong đợi của phòng ban/doanh nghiệp.
Một người làm lâu năm nhưng chỉ chứng minh được hiệu suất công việc đạt loại 3 trong nhiều năm thì rất khó để bất kì quản lý cấp trên nào có thể bảo vệ và trình tăng lương thưởng cho nhân viên đó lên hội đồng cấp cao được. Thật đáng buồn khi mình thấy có nhiều bạn trẻ luôn có tâm lý “đi làm cho vui” để làm thêm nghề tay trái hoặc chỉ biết làm “hoàn thành” công việc của mình nhưng luôn đòi hỏi công ty phải đãi ngộ mức cao. Như vậy, kinh nghiệm “lâu năm” trong hoàn cảnh làm lâu năm nhưng không được tăng lương nó phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố năng suất.
Không phải do nhân viên kinh nghiệm nhiều năm là công ty mặc định “phải tăng lương và tăng bậc theo kinh nghiệm” cho nhân viên. Thứ làm nên chuyện ở đây chính là bài toán “Năng suất”. Các bạn có thể hỏi thử những người đang than vãn “làm lâu năm tại một chỗ thì lương thấp” và hỏi xem trong 3 năm gần nhất thì kết quả đánh giá 6 kì đánh gía vừa qua kết quả của họ ra sao. Mình tin chắc rằng với những nhân sự được xếp loại cao trong nhiều kì gần nhau sẽ không trả lời rằng “làm lâu năm tại một chỗ thì lương thấp”. Vấn đề ở đây không nằm ở thâm niên mà nằm ở năng suất do người nhân viên tạo ra 😊
Sức bật hạn chế
Khi chúng ta thực sự đã đi làm, việc phân cấp bậc là điều tất nhiên chứ không còn cào bằng như khi đi học. Lộ trình thăng tiến cho mỗi ngành nghề là khác nhau nhưng nhìn chung đều có hướng đi khi chúng ta tìm hiểu kĩ về nghề nghiệp mình chọn. Có thể với đầu vào của một nhóm nhân viên mới là như nhau (cùng cấp bậc, cùng mức lương) nhưng trải qua nhiều năm, chúng ta sẽ luôn thấy có sự phân hoá. Sẽ có người đạt đến chức vụ cao, có người chỉ đạt chức vụ trung bình hoặc cũng có thể không có nhiều thay đổi trong mức lương và chức vụ 😊
Điều tạo nên sự khác biệt này, theo mình quan sát thấy là “sức bật”. Thử tưởng tượng chúng ta đang trong một trò chơi nhảy lên các thanh gỗ với khoảng cách khác nhau từ thấp đến cao đang trôi lơ lửng trên không trung. Nhiệm vụ của chúng ta là nhảy lên các thanh gỗ đó cho đến khi “về đích”. Để có thể nhảy được lên các thanh gỗ ở bậc cao hơn, chúng ta cần rèn luyện thể lực, ý chí và có chiến lược để nhảy. Có thể để bước đến thanh gỗ tiếp theo, người chơi sẽ bị ngã rất đau đến cả trăm lần trước khi đạt được mục tiêu.
Tuy nhiên trong cuộc chơi nào cũng vậy, sẽ luôn có những người chỉ cần đạt đến một thanh gỗ mà ở đó họ cảm thấy an toàn, không cần phải nghĩ cách chơi tiếp nữa và coi đó là “bến đỗ bình an” trong thời gian dài hoặc đơn giản là họ mệt, không muốn tiếp tục chơi. Lại có những người tiếp tục rèn luyện thể lực, ý chí và chiến lược để nhảy tiếp lên các bậc cao tiếp theo.
Nói đến đây, mình mong các bạn đã hình dung ra câu chuyện về sức bật. Với những trường hợp bị rơi vào hoàn cảnh “làm lâu năm tại một chỗ thì lương thấp” thì vấn đề rất lớn là do sức bật hạn chế. Để có sức bật tốt, người chơi ở ví dụ mình có nói phải rèn luyện 3 yếu tố. Nó cũng giống như trong công việc: rèn luyện thể lực (rèn luyện chuyên môn), ý chí phấn đấu và chiến lược thăng tiến giúp chúng ta có những thay đổi liên tục trong nghề nghiệp khi chúng ta cống hiến sức lực lâu dài cho một doanh nghiệp.
3. Lời khuyên và Sự lựa chọn
Ngày mình ôn tập để thi vào một trường chuyên có tiếng ở tỉnh, mỗi ngày đi qua mình đều nhìn vào trong trường và dòng chữ “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Nó ấn tượng đến nỗi mình luôn cảm thấy có chút rùng mình khi nhớ lại. Với mỗi quốc gia, người có tài có đức quý báu như “nguyên khí” không thể thiếu.
Với mỗi công ty, nhân sự chất lượng cao cũng như vậy. Dù nhân sự vẫn thu hút nhân tài từ khắp nơi để phát triển công ty, chúng ta vẫn không thể phủ nhận những người làm lâu năm, hiểu quy trình, hiểu sản phẩm, hiểu cách thức làm việc và không ngừng cải tiến hiệu suất là nguồn tài nguyên chất xám quý giá. Những nhân sự quan trọng như vậy, dù làm lâu năm nhưng công ty vẫn có những đãi ngộ hợp lý để không mất giá so với thị trường và “giữ chân” người tài 😊
Nhiều bạn tâm sự với mình, các bạn luôn muốn tìm một môi trường làm việc tốt để yên tâm làm việc lâu dài và tạo ra những thành quả cho riêng mình tại một tổ chức. Có thể do tâm lý “làm lâu năm một nơi thì lương thấp nên nhiều bạn lựa chọn nhảy việc liên tục. Suy nghĩ “làm lâu năm tại một nơi thì lương thấp” hoàn toàn là một định nghĩa thiếu chính xác bởi chúng ta cần nhìn nhận nguyên nhân – kết quả của sự việc. “Không có lửa làm sao có khói” là thành ngữ mình luôn giữ trong tâm trí khi mình phân tích sự việc và cho đến nay vẫn phát huy tác dụng!
Đối với mình, việc đóng góp lâu dài cho một tổ chức không có gì là thiệt thòi khi chúng ta nhìn nhận được về 3 nguyên nhân chính ở trên. Nếu đang rơi vào hoàn cảnh đãi ngộ thấp khi làm lâu năm, mình xin dành cho các bạn các lời khuyên như thế này:
- Tự đặt và trả lời câu hỏi 5 Whys bắt đầu trước từ câu hỏi 1: “Tại sao tôi làm việc lâu năm nhưng lương tôi lại thấp so với thị trường bên ngoài?”
- Sắp xếp thời gian nói chuyện cùng cấp trên về vấn đề này và xin đường hướng để phát triển sự nghiệp
- Ngồi xuống và đánh giá khách quan về các ưu nhược điểm của bản thân và môi trường làm việc để tìm ra phương án (Có thể cân nhắc chuyển việc)
Khi cảm thấy không ổn trong công việc hiện tại, chúng ta hoàn toàn có thể bước đến những lựa chọn thay đổi nghề nghiệp hoặc thay đổi môi trường làm việc. Thay đổi nghề nghiệp thì cần mentor chuyên về nghề nghiệp đó hướng dẫn, thay đổi môi trường làm việc thì cần thu thập thông tin về môi trường đó. Nếu cảm thấy ổn trong công việc hiện tại và cần sức bật trong công việc hiện tại, các bạn hay làm theo công thức sức bật = rèn luyện chuyên môn + ý chí phấn đấu + chiến lược thăng tiến. Về cụ thể cách làm, các bạn có thể để lại comment/inbox cho page LylyBA để cùng trao đổi thêm nhé!
Tất cả những quyết định chúng ta cân nhắc suy cho cùng đều là sự lựa chọn để thoát khỏi suy nghĩ và hoàn cảnh “làm lâu năm tại một nơi thì lương thấp”. Mình rất mong bài viết này có thể giúp đỡ được nhiều bạn trẻ mới đi làm và những ai đang có băn khoăn về vấn này. Khi viết ra, mình đã cân nhắc rất nhiều về sự nhạy cảm của đề tài. Rất mong được ủng hộ trên khía cạnh “dám nói dám viết” và thời gian công sức mình đầu tư cho bài viết.
Cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc và ủng hộ LylyBA ❤️
Bài viết hay quá chị Ly ơi. Sự thật phũ phàng nhưng phải dám đối mặt thì mới tiến bộ hơn được. Cảm ơn chị đã chia sẻ!